Tưng bừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Cốc Lào

Tưng bừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Cốc Lào

Sáng 16/11, thôn Cốc Lào, xã Giáo Hiệu đã long trọng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Tới dự chung vui cùng bà con có đồng chí Ma Từ Đông ĐiềnỦy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Ma Thị Mận, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy.

        Đồng chí Ma Từ Đông Điền, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy tặng quà cho đại diện thôn Cốc Lào.

Khu dân cư thôn Cốc Lào hiện có 77 hộ dân với gần 400 nhân khẩu là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông cùng đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, phát triển nông – lâm nghiệp. Toàn thôn hiện còn 39 hộ dân thuộc diện hộ nghèo, chiếm 50,6%, hộ cận nghèo còn 04 hộ, chiếm hơn 5%. Thôn Cốc Lào có hơn 20ha diện tích ruộng cấy lúa, bình quân năng suất đạt 55 tạ/ha; 15ha diện tích trồng cây ngô, năng suất đạt 40 tạ/ha; tổng đàn gia súc có gần 100 con, đàn gia cầm gần 1.500 con. Những năm gần đây, người dân trồng thêm hàng chục héc-ta rừng, trong đó nhiều diện tích đã cho thu hoạch góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo ở địa phương.

              Đồng chí Ma Thị Mận, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện tặng quà cho thôn Cốc Lào.

Người dân trong thôn có cuộc sống ổn định, chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực trong lao động, sản xuất. Tổng kết thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2023, thôn có 68/75 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm trên 90% số hộ trong thôn; 13 hộ đạt “Gia đình văn hóa tiêu biểu 3 năm liên tục”.

                                               Trò chơi ném Pao tại Ngày hội

Phát biểu tại Ngày hội, đồng chí Ma Từ Đông Điền, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chúc mừng và biểu dương những kết quả mà thôn Cốc Lào đạt được trong năm qua. Đồng chí mong muốn Nhân dân thôn Cốc Lào tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực hơn nữa trong lao động, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đổi mới tư duy, cách làm để phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương; từng bước nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm nông – lâm nghiệp của địa phương sản xuất thành hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm góp phần giảm nghèo bền vững./.

                                                                                                Nguồn: Dương Đồng

Bài trướcThực hiện chuyển đổi số đồng bộ trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số
Bài tiếp theoGiáo Hiệu giải quyết đúng hạn 594 hồ sơ thủ tục hành chính trong Năm 2023