Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Pác Nặm luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng, đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực. Dù là nghề phi nông nghiệp hay nông nghiệp, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề, phần lớn các học viên phát huy được những kiến thức đã học, áp dụng hiệu quả vào sản xuất, chăn nuôi tại gia đình, cũng như làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, từ đó nâng cao thu nhập, giảm tỉ lệ hộ nghèo trong huyện.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Pác Nặm đã đạt 20,39%.
Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở ở Pác Nặm luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về việc học nghề, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi. Bên cạnh đó, luôn chú trọng việc tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm dưới nhiều hình thức nhằm giúp người lao động lựa chọn được ngành nghề phù hợp. Đặc biệt, kể từ khi Đề án 1956 được triển khai trên địa bàn huyện đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn, đóng góp quan trọng vào tiến trình hoàn thành mục tiêu chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới của Pác Nặm. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, huyện Pác Nặm đã tổ chức đào tạo nghề sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho trên 2.000 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở địa phương lên 20,39%.
Đồng chí Ma Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết: Trên cơ sở chỉ tiêu KTXH hàng năm, chúng tôi đều giao chỉ tiêu cụ thể về công tác đào tạo nghề và GQVL cho lao động nông thôn cho từng cơ quan đơn vị và UBND các xã. Tăng cường kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện của cơ sở, các nguồn lực dành cho công tác ĐTN&GQVL từ các chương trình dự án như: Chương trình 30a, 135, xây dựng nông thôn mới…phải được triển khai kịp thời đẩy đủ và chính xác. các lớp đào tạo nghề phải được thực hiện trên cơ sở lấy nhu cầu thực tế từ chính những người lao động, phù hợp với điều kiện KTXH từng vùng, từng địa phương. Mặt khác, các cơ sở liên kết đào tạo nghề phải được lựa chọn kỹ càng, có đầy đủ năng lực đáp ứng được tốt nhất yêu cầu của công tác đào tạo nghề. Đưa chất lượng đặt lên hàng đầu, tránh tình trạng chạy theo số lượng, chạy theo thành tích.
Chất lượng nguồn nhân lực ở Pác Nặm đang từng bước được nâng cao.
Thông qua các lớp học nghề, nông dân được trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu. Đồng thời, góp phần giải quyết được nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, từng bước đáp ứng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Mặt khác, qua học nghề đã giúp nông dân tiếp cận với các ngành nghề mới, thêm cơ hội có việc làm, tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Có thể thấy, các được lớn nhất chính là người nông dân đã thay đổi được nhận thức, từ bỏ những tập quán canh tác lạc hậu, thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề…để đưa lại hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh.
Song song với công tác đào tạo nghề thì huyện Pác Nặm cũng tập trung làm tốt công tác giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nông thôn. Bằng nhiều hình thức, nhiều cách làm hiệu quả, nên tỷ lệ lao động nông thôn ở Pác Nặm có được việc làm hàng năm luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch mà huyện đề ra. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã có gần 4.400 lao động được giải quyết việc làm, trong đó có 376 người thông qua xuất khẩu lao động; 228 người thông qua vay vốn giải quyết việc làm; gần 3.000 lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và hơn 830 lao động được giải quyết việc làm thông qua các dự án, công trình trên địa bàn huyện. Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo Đào tạo nghề huyện Pác Nặm đã chủ động tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề và thông tin dự báo về cung cầu lao động của thị trường ngay từ đầu năm. Từ đó, phân loại đối tượng lao động, xác định ngành nghề đào tạo sao cho phù hợp đối với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và nhu cầu học nghề của người lao động.
Huyện Pác Nặm đang nỗ lực làm tốt công tác giải quyết việc làm tại chỗ.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Pác Nặm cũng còn gặp những khó khăn nhất định. Một bộ phận người lao động chưa có nhận thức đầy đủ về học nghề và việc làm nên đăng ký học nghề còn ít hoặc bỏ học giữa chừng, ảnh hưởng đến kết quả dạy nghề. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, giảng viên trung tâm dạy nghề còn thiếu, kinh phí thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế so với yêu cầu…
Về vấn đề này, đồng chí Ma Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết thêm: Trong thời gian tới huyện sẽ tập trung tiến hành phân loại ngành nghề để có định hướng tốt trong việc cung cấp thông tin về những ngành nghề có triển vọng cho người dân. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực góp phần phát triển hơn nữa những ngành nghề truyền thống để mang lại giá trị kinh tế cao, tập trung điều chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết việc đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia vào công tác đào tạo nghề. Xây dựng một số mô hình đào tạo nghề nông nghiệp có hiệu quả để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Đẩy mạnh sự phối hợp kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội nhằm giúp cho công tác đào tạo nghề được thực hiện có hiệu quả, bảo đảm đầu ra của học viên sau khi đào tạo phải phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao như hiện nay. Có những chính sách tích cực trong việc giới thiệu việc làm cho lao động đã qua đào tạo, tìm đầu ra cho sản phẩm để những người đã tham gia đào tạo nghề tích cực phát triển sản xuất, tạo việc làm nâng cao thu nhập.
Những nỗ lực trong thực hiện chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã góp phần tạo chuyển biến, thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện vùng cao Pác Nặm. Trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao chất lượng trong xây dựng nông thôn mới./.
Nguồn: Cổng TTĐT huyện Pác Nặm